Lào Cai 26° - 27°
Kết quả 05 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nghiêm túc triển khai, thi hành Luật XLVPHC, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể:

- Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, công tác Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật được giao cho Phòng Xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật của Sở Tư pháp thực hiện. Ngày 20/12/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 136/2016/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bản Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 19/6/2015 của UBND tỉnh Lào Cai, trong đó có thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật thuộc Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, gồm 02 biên chế (01 Trưởng phòng và 01 chuyên viên). Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm tham mưu về nhiệm vụ Quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn cấp huyện, cấp xã.

- Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về XLVPHC: UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành: Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 17/4/2014 về việc triển khai thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 18/01/2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC.

- Công tác phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương và địa phương mới ban hành nói chung và Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức phù hợp với từng đối tượng và từng dân tộc. Kết quả: Tính đến hết ngày 31/3/2017 toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 3.188 buổi cho 414.125 lượt người là cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập pháp luật. Thông qua các hình thức như: Hội nghị, các buổi họp thôn, tổ dân phố; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, công đoàn, chương trình đào tạo nghề; biên soạn và cấp phát 450 cuốn Thông tin pháp luật số chuyên đề tìm hiểu các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và nghiệp vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính; phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình tỉnh phát sóng 08 chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên sóng truyền hình, tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, nội dung lồng ghép tuyên truyền Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành..v.v.

- Công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính: Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức được 06 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng về xử lý vi phạm hành chính tại 6 huyện cho 540 đại biểu là Lãnh đạo UBND huyện; Lãnh đạo UBND xã; Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; Đại diện các cơ quan: Công an huyện, Tòa án, Hạt Kiểm lâm, Chi cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thi hành án dân sự; Công chức Tư pháp - Hộ tịch, Công an, Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã) hoặc Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với thị trấn); Phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức 02 hội nghị tại thành phố Lào Cai: Hội nghị Tập huấn chuyên sâu về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Hội nghị Tập huấn chuyên sâu về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Các ngành có chức năng xử phạt vi phạm hành chính tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức thuộc đơn vị, nhằm nâng cao kỹ năng lập biên bản, soạn thảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xác định các trường hợp cần thiết và trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và biện pháp ngăn chặn, bảo đảm thực hiện quyết định xử lý hành chính như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Xây  dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường..v..v.

- Công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực hoặc địa phương quản lý chủ yếu kết hợp lồng ghép với các Đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan, đơn vị. Hàng năm, Sở Tư pháp Lào Cai chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tiến hành lồng ghép kiểm tra liên ngành (14 cuộc) trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm; Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Kiểm lâm; An toàn giao thông; Khoáng sản.v..v. tại các sở, ngành và các huyện, thành phố.

- Tình hình xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ vào chức năng cụ thể và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo báo cáo của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, tổng số vụ vi phạm hành chính là 37.381 vụ. Trong đó, số vụ đã bị xử phạt là 37.007 vụ, số vụ chưa xử phạt là 333, số vụ chuyển xử lý bằng hình thức khác là 41 vụ (trong đó: số vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 34 vụ, số vụ áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên là 7 vụ).

Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã đạt được những kết quả nhất định, các vụ việc xảy ra được phát hiện và xử lý kịp thời; trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện đúng quy định của pháp luật góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cụ thể: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành: 35.898 quyết định; Số quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền: 104 quyết định; Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị cưỡng chế thi hành: 67 quyết định; Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại: 04 quyết định; Tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính: 54.590.973.400 đồng; Tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 13.893.684.800 đồng.

Qua kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy công tác XPVPHC theo quy định của Luật XLVPHC đang dần đi vào nề nếp, các vụ việc vi phạm bị phát hiện cơ bản được xử lý kịp thời, theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt pháp luật quy định. Việc thực thi các quy định về XPVPHC theo Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã bước đầu đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THPL về XLVPHC. Tình hình chấp hành pháp luật của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Số lượng vụ vi phạm hành chính hàng năm đã giảm dần. Các đối tượng vi phạm đều tự nguyện chấp hành theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không để xảy ra nhiều tình trạng khiếu kiện. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đảm bảo khách quan, đúng người, đúng pháp luật, đã có tác dụng răn đe, giáo dục cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vi phạm hành chính chủ yếu trong các lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp, tài chính, xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải.... Nguyên nhân để xảy ra nhiều hành vi vi phạm trong các lĩnh vực trên là do: Lào Cai là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí còn thấp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn hơn nữa với 203 km là đường biên giới có nhiều lối mòn sang Trung Quốc cho nên các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, thủ đoạn, nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý trực tiếp được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đảm bảo xử lý kịp thời, đúng đối tượng vi phạm, đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền xử phạt. Thông qua việc xử lý vi phạm hành chính đã góp phần chấn chỉnh những vi phạm hành chính của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

- Tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính:

 Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là: 1.422 đối tượng. Trong đó: Số đối tượng giáo dục tại xã, phường, thị trấn: 211 đối tượng; Số đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng: 09 đối tượng; Số đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 42 đối tượng; Số đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 1.160 đối tượng.

Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là: 1.342 đối tượng. Trong đó: Số đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quyết định của UBND cấp xã là 199/1.342 đối tượng (Chiếm 14,8%); Số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của TAND cấp huyện là 1.129/1.342 đối tượng (Chiếm 84,1%); Số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng theo quyết định của TAND cấp huyện là 06/1342 đối tượng (Chiếm 0,04%); Số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo theo quyết định của TAND cấp huyện là 08/1342 đối tượng (Chiếm 1,06%); Tình hình áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên: Không có.

- Tình hình thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định: Số lượng đối tượng đang chấp hành quyết định: 658 đối tượng; Số lượng đối tượng được giảm thời hạn chấp hành quyết định: 0 đối tượng; Số lượng đối tượng được tạm đình chỉ chấp hành quyết định: 12 đối tượng; Số lượng đối tượng được miễn chấp hành phần thời gian còn lại: 01 đối tượng.

Nhìn chung: Trong các biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng nhiều nhất, các biện pháp khác được áp dụng ít hơn. Nhìn chung, việc thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ, đảm bảo áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng trình tự pháp luật; quá trình xử lý hành chính đã kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Các biện pháp được áp dụng phù hợp với thực tiễn, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của gia đình trong việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Công tác lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nói riêng và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính nói chung trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời đưa đối tượng chấp hành quyết định, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự của chính quyền cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật XLVPHC vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý XLVPHC chuyên trách còn mỏng; kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu; công tác tuyên truyền, phổ biến tại một số địa phương, đơn vị chưa đa dạng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện; việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong XLVPHC tại một số đơn vị còn hạn chế; ... Việc triển khai thi hành các quy định của Luật XLVPHC còn gặp những vướng mắc, bất cập như: Chưa thống nhất về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; Áp dụng hình thức xử phạt; bất cập về Quy định về mức phạt tiền giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định; bất cập về ủy quyền, giao quyền và vắng mặt trong Luật XLVPHC chưa rõ ràng; khó khăn trong xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; bất cập trong việc thực hiện thủ tục xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu; khó khăn khi áp dụng quy định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới quyết định xử phạt..v..v.

 Từ thực trạng trên cần có một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành Luật XLVPHC:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, của các cấp, các ngành đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật về xử  lý vi phạm hành chính của cán bộ và nhân dân.

Ba là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Bốn là, Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo định kỳ để đánh giá tình hình, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó đề xuất các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn…/.

Nguyễn Thị Vinh - Phòng QLXLVPHC
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập