Lào Cai 23° - 26°
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 8/2024

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ VẬN DỤNG TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ và huấn luyện cán bộ của Đảng. Tư tưởng của Bác về công tác cán bộ là một bộ phận cấu thành hệ thống tư tưởng của Người, có giá trị lịch sử và thực tiễn vô cùng sâu sắc và đã trở thành kim chỉ Nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi giai đoạn cách mạng.

Tư tưởng của Người là xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có năng lực lãnh đạo, biết tổ chức quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng của nước ta, đi đến mục tiêu đã chọn. Người nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [1]. Theo Bác, việc lựa chọn cán bộ, huấn luyện cán bộ, đánh giá, bố trí sử dụng, quản lý cán bộ là các vấn đề hết sức quan trọng đối với công tác cán bộ

Về lựa chọn cán bộ, đây là bước đầu tiên, rất quan trọng trong tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhất cho cách mạng. Người đưa ra 3 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ là: trung thành với cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng và vì lợi ích của quần chúng; dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ. Theo Bác, phải tìm cho được những người tiêu biểu như: trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ. Người lãnh đạo đúng đắn thì cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Lựa chọn cán bộ phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, cán bộ được lựa chọn phải là hạt nhân trong các phong trào học tập, công tác, chiến đấu và lao động sản xuất.

Về huấn luyện cán bộ, theo Bác công tác huấn luyện cán bộ là việc có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người dân vẫn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ” [2]. Người yêu cầu phải coi “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [3]. Huấn luyện cán bộ phải thiết thực và chu đáo, phải nắm được nhu cầu để huấn luyện. Không được làm hình thức, làm nhiều mà không thiết thực. Người cũng căn dặn mở lớp nào ra lớp đó, chọn người dạy và học cho đúng, không nên tùy tiện lung tung.

Về đánh giá cán bộ, theo Người việc đánh giá cán bộ phải tiến hành thường xuyên, liên tục, phải đánh giá khách quan và toàn diện. Đánh giá, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ, tránh việc đánh giá chủ quan, cảm tính, qua loa. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”[4]. Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[5]. Theo Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Về quản lý, bố trí và sử dụng cán bộ. Theo Người để quản lý cán bộ phải làm tốt chế độ phê bình, tự phê bình; chế độ khen thưởng và kỷ luật. Người xem nó như là một nguyên tắc không thể thiếu trong công tác cán bộ, mà buộc những người làm công tác cán bộ phải luôn thực hiện, đồng thời cần làm tốt công tác kiểm tra. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, Người khẳng định “dụng nhân như dụng mộc”, dùng người nào thì phải phù hợp với việc đó. Cán bộ lãnh đạo phải có gan cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa; phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Việc sử dụng, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa, giữa cán bộ trẻ với cán bộ lâu năm; phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau, tránh việc sử dụng cán bộ “như vắt chanh, bỏ vỏ”.

Về chính sách cán bộ, theo Người cần thưởng phạt kịp thời, phải yêu thương cán bộ nhưng không nuông chiều, thả mặc, mà để giúp họ học tập tiến bộ, giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn. Khi thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cán bộ, để có chính sách đúng, phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng hiện nay, để triển khai có hiệu quả Chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới với phương châm: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, cần nghiên cứu vận dụng một cách khoa học, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó chú trọng các khâu trong công tác cán bộ đó là: làm tốt công tác quy hoạch cán bộ từ sớm, từ xa để tìm nguồn cán bộ thực sự có đức có tài; công tác tuyển chọn cán bộ có trình độ, năng lực công tác và có đạo đức; công tác bố trí, sử dụng cán bộ đúng người đúng việc, phù hợp để phát huy khả năng, sở trường và năng lực trong công tác, luân chuyển cán bộ để rèn luyện; thực hiện chính sách cán bộ đảm bảo hiệu quả, khích lệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện thành công Chiến lược cán bộ của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

(Số tháng 7/2027)

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập