Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 5
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Bác Hồ đã có những suy nghĩ rất lớn, vượt lên so với bạn bè cùng trang lứa: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp "Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Sau này Bác nói thêm về suy nghĩ của mình “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Từ những suy nghĩ ấy Bác đã có một nghị lực phi thường, sự kiên trì và quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ, hoài bão của mình. Đó chính là tấm gương vĩ đại về phẩm chất dám nghĩ, dám làm.
Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, với cách suy nghĩ, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, Bác sẵn sàng từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp như hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản để theo đuổi hệ tư tưởng cách mạng triệt để hơn. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó là tinh thần dám nghĩ, dám khám phá, dám học hỏi ở Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đã trở thành một nước độc lập nhưng “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, ngân khố can kiệt, Bác mạnh dạn đề xuất sáu vấn để cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay, đó là:
- Diệt giặc đói, trong đó Người kêu gọi: Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. Và Bác là người gương mẫu thực hiện lời kêu gọi ấy.
- Diệt giặc dốt, trong đó Người khẳng định: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
- Tiến hành tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
- Mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần Nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
- Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Bác đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy và đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
- Đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết.
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ và sự gương mẫu của Bác cùng các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng, Chính phủ, những nhiệm vụ quan trọng ấy đã thành công trong thời gian ngắn, góp phần quyết định để đất nước ta tiếp tục đứng vững trước những khó khăn, thử thách và đánh thắng cuộc xâm luợc lần thứ hai của thực dân Pháp.
Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Bác và Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước khó khăn, trở ngại, biết đánh và biết thắng. Đồng thời, khắc phục được tư tưởng "sợ Mỹ", quan điểm cho rằng Việt Nam đánh Mỹ chẳng khác nào "châu chấu đá voi", "đem trứng chọi đá”, quyết định "phiêu lưu mạo hiểm",... Nhưng với phẩm chất dám nghĩ, dám làm của Bác đã làm gương, là đầu tàu để Nhân dân Việt Nam ta noi theo và đạt thắng lợi cuối cùng như mục tiêu đã đề ra, đó là đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối.
Không chi bản thân dám nghĩ, dám làm mà Bác còn yêu cầu cán bộ ta: "Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vứt nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm".
"Theo Bác, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiểu thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách. Bởi vì, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng" không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng".
Bác khuyên cán bộ dám nghĩ, dám làm chứ đừng sợ khuyết điểm mà không làm gì: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm", “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu". Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại.
",... Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không,...".
Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Bác từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không công khai, chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh". Bác đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào. Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người,... Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe Nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở trong chỉ đạo cải cách ruộng đất. Hình ảnh Bác Hồ lấy khăn lau nước mắt, chính là sự kiện Bác tự nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào mà tư liệu còn ghi lại được, lưu giữ đến ngày nay.".
Để học và làm theo Bác, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần có quyết tâm cao, gạt bỏ tư tưởng cầu an, trông chờ, thụ động, hành động theo lối mòn, thay vào đó là sự chủ động, dám nghĩ, dám để xuất ý kiến, dám dấn thân, dám thực hiện những điều mới mẻ chưa có tiền lệ; dám loại bỏ những thói quen nhưng đã cũ kỹ, lạc hậu. Đồng thời dám dấu tranh thẳng thắn với cái sai, dám bảo vệ cái đúng.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm bao giờ cũng gặp những khó khăn, thách thức, trở ngại,... Vì vậy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phải gắn liển với quyết tâm cao, có lòng tự trọng, có bản lĩnh và có cơ sở lý luận và thực tiễn thì sẽ thành công.
(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai,
số tháng 4/2024)