Sở Tư Pháp tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024
Sở Tư Pháp tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024
Chiều ngày 28/6/2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Lê Ngọc Quỳnh – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở và các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở dự và chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận và thống nhất đánh giá, trong 6 tháng năm 2024, các phòng, đơn vị thuộc sở và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đều đã chủ động, tích cực, phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu lãnh đạo Sở, UBND cấp huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành. Sở đã chủ động trong tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành một số văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ về công tác tư pháp như XLVPHC, LLTP, công chứng, luật sư, nâng cao chất lượng công tác tư pháp và đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh: Công tác tham gia ý kiến của Sở Tư pháp và của thành viên UBND tỉnh đối với 56 nội dung, đề nghị giải quyết các vướng mắc trong thi hành pháp luật; phối hợp với UBND cấp huyện và tương đương tổ chức 03 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về xử lý VPHC cho 630 đại biểu. Cấp phiếu LLTP cho 1.608 trường hợp; vào sổ tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp 1.534 thông tin, lập 578 hồ sơ lý lịch tư pháp; phê duyệt, tạo trao đổi 1.111 thông tin gửi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Công tác chứng thực trên địa bàn tỉnh: Cấp huyện chứng thực 3.670 bản sao; chứng thực chữ ký 497 việc; chứng thực chữ ký người dịch 276 việc; chứng thực hợp đồng giao dịch 02 việc; Cấp xã: chứng thực 94.468 bản sao; chứng thực chữ ký 11.058 việc; chứng thực hợp đồng giao dịch 5.448 việc. Cấp huyện đã đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với 31 trường hợp; đăng ký hộ tịch trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của tỉnh thực hiện được 18.349 việc. Các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng 12.627 việc; chứng thực 69.669 việc. Tổng số tiền nộp vào ngân sách: 1,018,902,106 đồng. Các tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 57 vụ việc. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý 1.522 vụ/1.522 lượt người (tăng 321 vụ (27%) so với cùng kỳ). Tổ chức được 86 đợt truyền thông về địa bàn 86 thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III trong tỉnh với 5.488 người tham dự, tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 647 trường hợp có vướng mắc tại buổi truyền thông. Phối hợp với Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 02 phóng sự về vụ việc thành công, hiệu quả tại Sa Pa.
Sở Tư pháp đã tổ chức 02 Hội nghị phổ biến pháp luật theo đợt cho 496 đại biểu; tổ chức 16 hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; biên soạn 6 chuyên đề gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp làm tài liệu tuyên vận tại các xã phường, thị trấn. Biên tập, đăng tải 356 tin, bài, ảnh trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Lào Cai. Biên soạn, in và cấp phát 1.400 cuốn tài liệu. Phối hợp với các đơn vị: Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Hội Nông dân tỉnh thực hiện các chuyên mục phát trên sóng truyền hình, đăng trên Báo Lào Cai và triển khai Hội nghị cập nhật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực cho 160 cán bộ Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát. Toàn tỉnh hiện có 1.545 tổ hòa giải với 7.352 hòa giải viên. 06 tháng đầu năm, các tổ hoà giải đã tiếp nhận 931 vụ việc. Trong đó hoà giải thành: 818 vụ việc, hoà giải không thành 95 vụ việc, số vụ việc đang giải quyết 18 vụ. Tỷ lệ hoà giải thành đạt 88%. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 219 báo cáo viên cấp tỉnh; 290 báo cáo viên cấp huyện; 2.891 tuyên truyền viên cấp xã. Toàn tỉnh đã tổ chức 7.945 cuộc PBGDPL trực tiếp cho 747.014 lượt người tham dự; tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, phát hành 52.421 tài liệu PBGDPL (trong đó có 12.258 tài liệu được đăng tải trên mạng internet). Tổng kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật của toàn tỉnh 6 tháng đầu năm là 4.541.231.000 đồng.
Cải cách TTHC đạt hiệu quả cao với tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng và trước hạn cao, tỷ lệ giải quyết qua DVC trực tuyến là 80% và qua dịch vụ bưu chính là trên 30%. Công tác tổ chức xây dựng ngành tiếp tục quan tâm thực hiện...
Tại hội nghị cũng được nghe 06 tham luận cùng với những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn có một số tồn tại, hạn chế như: Nhiệm vụ công tác Tư pháp ngày càng phát sinh nhiều vụ việc phức tạp trong quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đòi hỏi thời gian tham vấn gấp, kịp thời mà Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu nhân lực thực hiện nhiệm vụ này. Công tác giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến mức độ 3, 4 ở một số huyện còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân am hiểu về công nghệ thông tin còn thấp, chưa có điện thoại thông minh và chưa cài đặt định danh điện tử mức độ 2 nên cán bộ tư pháp vẫn còn phải làm hộ, làm thay. Hệ thống thông tin phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp triển khai còn chưa đồng bộ dữ liệu hộ tịch của các xã, phường sáp nhập trên địa bàn thị xã Sa Pa gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch của cán bộ tư pháp.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Quỳnh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã thành phố tiếp tục nâng cao tính chủ động, tích cực, phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan và UBND cùng cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp. Có giải pháp và thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực công tác. Tiếp tục rà soát tất cả các nhiệm vụ theo các kế hoạch, chương trình công tác của Sở, của phòng, đơn vị, địa phương, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đúng và trước hạn theo Kế hoạch công tác năm 2024./.