Lào Cai 25° - 27°
Một số Quy định của Luật Kiến trúc

Kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội.  Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 04/2019/L-CTN ngày 27/6/2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Luật Kiến trúc  quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật được bố cục thành 5 chương và 41 điều đã bao quát 2 nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc, được bố cục cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung: gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) bao gồm các quy định: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động kiến trúc; Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc; Ngày Kiến trúc Việt Nam; Hợp tác quốc tế về kiến trúc; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc.

Chương II. Quản lý kiến trúc: Gồm 9 điều (từ Điều 10 đến Điều 18) bao gồm các quy định: Yêu cầu về quản lý kiến trúc; Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn; Thiết kế kiến trúc; Quản lý công trình kiến trúc có giá trị; Quy chế quản lý kiến trúc; Điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; Thi tuyển phương án kiến trúc và Quản lý lưu trữ tài liệu.

Chương III. Hành nghề kiến trúc: Gồm 3 mục và 18 điều (từ Điều 19 đến Điều 35), cụ thể:

Mục 1. Quy định chung về hành nghề kiến trúc: Dịch vụ kiến trúc; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc; Điều kiện hành nghề kiến trúc; Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề; Phát triển nghề nghiệp liên tục; Quản lý thông tin hành nghề kiến trúc.

Mục 2. Hành nghề kiến trúc của cá nhân: Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam; Quyền và nghĩa vụ của kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Mục 3. Hành nghề kiến trúc của tổ chức: Điều kiện hoạt động và hình thức tổ chức hành nghề kiến trúc; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc; Giám sát tác giả.

Chương IV. Quản lý nhà nước về kiến trúc: Gồm 3 điều (từ Điều 36 đến Điều 38) bao gồm: Nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc; Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Chương V. Điều khoản thi hành: Gồm 3 điều (từ Điều 39 đến Điều 41) bao gồm các quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc; Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp.

Nguyên tắc hoạt động kiến trúc. Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam. Căn cứ đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây: Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây: Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản về kiến trúc; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc; Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc; Triển lãm, quảng bá về kiến trúc.

 Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây: Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực kiến trúc; Xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực kiến trúc; Trợ giúp, tư vấn miễn phí về kiến trúc vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc. Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc. Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc. Cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.

 Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn

 Kiến trúc đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; Sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông; Kiến trúc nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực; Công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông; Hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị; Công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng; Công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.

 Kiến trúc nông thôn phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều này và các yêu cầu sau đây: Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến; Bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc; Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Nguyễn Lê Hằng - Sở Tư pháp Lào Cai 

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập