Lào Cai 26° - 27°
Tìm hiểu: Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019

Ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14. Dưới đây là những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm có 07 chương, 36 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương II. Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia gồm 09 điều (từ Điều 6 đến Điều 14), quy định về mục đích, yêu cầu trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia; quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ; quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên; quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

 Chương III. Biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia gồm 06 điều (từ Điều 15 đến Điều 20), quy định về quản lý kinh doanh rượu; điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; địa điểm không bán rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chương IV. Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia gồm 05 điều (từ Điều 21 đến Điều 25), quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Chương V. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 03 điều (từ Điều 26 đến Điều 28), quy định về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VI. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 06 điều (từ Điều 29 đến Điều 34), quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VII. Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 35 và Điều 36), quy định về sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác; hiệu lực thi hành.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm một số nội dung sau:

Luật quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tập trung quy định các biện pháp giảm cầu, giảm cung, giảm tác hại của rượu, bia; chú trọng biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công theo hướng: bên cạnh các quy định chung cho cả sản xuất rượu thủ công và sản xuất rượu công nghiệp, còn có thêm các quy định đặc thù cho sản xuất rượu thủ công. Ngoài ra, còn có một số quy định về khuyến mại, quảng cáo, sản xuất, mua bán rượu, bia trong Luật, tách riêng rượu và bia để quản lý trên cơ sở nồng độ cồn trong sản phm. Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 4): (1) Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; (2) Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia; (3) Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (4) Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 5) nhằm hạn chế về đối tượng, độ tuổi, thời gian uống rượu, bia; hạn chế mức độ tiếp cận của rượu, bia; hạn chế tình trạng rượu, bia giả, kém chất lượng, nhập lậu; hướng đến làm giảm tỷ lệ và mức tiêu thụ rượu, bia trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên, trẻ em, người chưa thành niên, người tham gia giao thông; góp phần cải thiện và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, giúp Nhà nước tiết kiệm một phần chi phí dự phòng dùng để chăm sóc, khắc phục sức khỏe cho nhân dân do sử dụng rượu, bia, giảm chi phí phòng ngừa và giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông, tăng năng suất lao động, tạo môi trường làm việc văn minh, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm an toàn lao động. Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm: (1) Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; (2) Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; (3) Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; (4) Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; (5) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; (6) Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; (7) Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; (8) Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; (9) Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; (10) Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; (11) Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; (12) Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia; (13) Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm: (1) Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (2) Địa điểm không được uống rượu, bia; (3) Quản lý việc khuyến mại rượu, bia; (4) Quản lý việc quảng cáo rượu, bia; (4) Quản lý việc tài trợ kinh doanh rượu, bia. Trong đó, Luật quy định về quản lý việc khuyến mại, quảng cáo rượu, bia theo hướng đối với rượu, bia có độ cồn càng cao thì quản lý việc khuyến mại càng chặt vì rượu, bia chứa cồn là chất gây nghiện, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở các mức độ khác nhau tuỳ theo độ cồn được đưa vào cơ thể. Cụ thể như sau:

Địa điểm không uống rượu, bia là các địa điểm mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như: người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đến chất lượng lao động, nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước. Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định các địa điểm không uống rượu, bia, gồm: (1) Cơ sở y tế; (2) Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; (3) Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; (4) Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; (5) Cơ sở bảo trợ xã hội; (6) Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; (7) Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: (1) Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học; (2) Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (3) Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia; (4) Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; (5) Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh; (6) Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia; (7) Kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

 Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 33. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức tại cơ sở, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Người đứng đầu, người quản lý, điều hành địa điểm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có trách nhiệm sau đây: (1) Nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này; từ chối cung cấp dịch vụ nếu người vi phạm tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, yêu cầu; (2) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.

Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: (1) Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; (2) Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; (3) Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về điều khoản thi hành, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác như sau: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: “8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 như sau: “8. Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.”.

- Thay thế một số cụm từ tại một số điều của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 đã dược sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 05/2017/QH14 như sau: Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 100; Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 109.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực đến ngày 01/01/2022, việc cấp phép sản xuất rượu thủ công quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và việc đăng ký sản xuất rượu thủ công quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 không phải nộp phí, lệ phí./.

Nguyễn Lê Hằng - Sở Tư pháp Lào Cai

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập