Kết quả 03 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Trong 03 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư số 10) trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở báo cáo của các ngành thành viên hội đồng, Sở Tư pháp tỉnh Lào cai - Cơ quan thường trực của Hội đồng đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và Công văn số 1283/BTP-TGPL ngày 29/4/2008 về việc triển khai thực hiện Thông tư này tại địa phương; trên cơ sở danh sách cử cán bộ tham gia Hội đồng phối hợp của các ngành, Sở Tư pháp tỉnh Lào cai đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 08/5/2008 về việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Hội đồng phối hợp gồm có 06 thành viên, Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch hội đồng và Lãnh đạo các ngành thành viên như: Công an tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; TAND tỉnh; Sở Tài Chính và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh ở địa phương của từng ngành thành viên và của Hội đồng được thực hiện nghiêm túc. Trong quý IV/2009, Hội đồng phối hợp đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 580/KH-HĐPH ngày 11/9/2009 và tiến hành kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 tại địa bàn 04 huyện trong tỉnh (huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng). Các hoạt động kiểm tra cụ thể tập trung vào các nội dung như: Nghe lãnh đạo các ngành báo cáo về việc triển khai thực hiện TTLT số 10 trong phạm vi ngành và công tác phối hợp ở địa phương; Trực tiếp kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại Chi nhánh TGPL huyện. Trực tiếp kiểm tra việc thực hiện niêm yết các biển hiệu, hộp tin TGPL. Qua đó tổng hợp được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các địa phương để có biện pháp giải quyết kịp thời.
- Cung cấp Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan: Số lượng biển: 90 biển. Nội dung: Biển thông tin về trình tự, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; Số lượng hộp tin: 90 hộp. Hộp tin cung cấp các Mẫu đơn yêu cầu TGPL và các tờ gấp pháp luật để người được TGPL dễ dàng tiếp cận. Địa điểm đặt biển: trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng (CA, VKS, TA), Trại tạm giam, Phòng Tư pháp các huyện. Số lượng mẫu đơn: 10.000 tờ.
- Hoạt động truyền thông: Trung tâm TGPL đã trực tiếp biên soạn và cấp phát 07 nội dung tờ gấp pháp luật với 20.000 tờ.
Kết quả thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng: Niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý. Việc triển khai niêm yết bảng thông tin, đặt hộp tin về trợ giúp pháp lý do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cung cấp được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc bằng việc niêm yết công khai tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở các đơn vị, tại Nhà tạm giữ của Công an các huyện và Hội trường xét xử của Tòa án, tạo thuận lợi cho người dân khi đến trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng được tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về TGPL về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, đồng thời thực hiện quyền yêu cầu TGPL khi có vướng mắc về pháp luật. Nhìn chung các đơn vị thành viên Hội đồng đều triển khai thực hiện nghiêm túc, niêm yết bảng, biển, hộp tin đúng nơi quy định.
- Phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý. Giải thích về quyền được TGPL và tiếp cận các thông tin về TGPL. Cơ quan công an đã tiến hành giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho hơn 420 lượt can phạm. Hướng dẫn viết và chuyển 15 đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn mở nhiều đợt tuyên truyền hướng dẫn về công tác trợ giúp pháp lý. Trong quá trình giải quyết các vụ án, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố đã giải thích cho các đương sự, bị can, bị cáo hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ trong quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật trong đó có quyền được yêu cầu về TGPL. Tạo điều kiện để các đương sự, bị can, bị cáo tiến hành làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý đồng thời thông tin đến Trung tâm TGPL để thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tiếp dân, VKSND hai cấp đã giải thích hướng dẫn cho các đối tượng và thân nhân của người tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được TGPL.
Trong công tác kiểm sát các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam; các bị can, bị cáo, đương sự đều được giải thích về quyền được TGPL, những quyền lợi được hưởng và hướng dẫn thủ tục đề nghị được TGPL nếu có yêu cầu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo đúng quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với ngành Tòa án đưa một số vụ án ra xét xử lưu động tại các huyện, thành phố, các trung tâm cụm xã phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương và phối hợp tuyên truyền pháp luật, trong các phiên tòa đó đều có Luật sư cộng tác viên hoặc Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tham gia bào chữa cho các bị cáo thuộc diện TGPL. Qua đó đã đảm bảo các quy định của pháp luật về hoạt động tố tụng nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý sâu rộng trong nhân dân.
Tòa án nhân dân tỉnh và cấp huyện: Khi thụ lý, giải quyết án, Tòa án phát hiện đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí thì đều hướng dẫn họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, cung cấp mẫu đơn yêu cầu TGPL và địa chỉ liên lạc của Trung tâm, Chi nhánh TGPL. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án đều giải thích cho bị cáo, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự về quyền được trợ giúp pháp lý đồng thời hướng dẫn họ tiếp cận với các thông tin về TGPL.
Trung tâm trợ giúp pháp lý ngoài việc cung cấp các Bảng tin, Hộp tin, tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL, Trung tâm đã gửi Danh sách kèm theo số điện thoại liên hệ của các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tới các cơ quan tiến hành tố tụng để tiện liên hệ khi cần thiết. Tổ chức 01 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về Trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Biên phòng tỉnh, chú trọng nội dung về cơ chế phối hợp thông tin, hướng dẫn đối tượng về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, viết đơn và cung cấp địa chỉ yêu cầu trợ giúp pháp lý khi cần thiết.
- Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên TGPL sau khi Trung tâm TGPL có quyết định cử. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và các huyện đã cấp 72 Giấy chứng nhận người bào chữa cho các Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên trong 72 vụ án hình sự. Không có trường hợp nào thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã cấp 154 Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên TGPL thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo. Không có trường hợp nào Viện kiểm sát thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên. Tòa án nhân dân tỉnh và TAND các huyện, thành phố đã cấp 357 Giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với Trợ giúp viên, Luật sư CTV thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và các đương sự trong quá trình tố tụng tại TA theo quy định của pháp luật. Không có trường hợp nào Tòa án thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng.
Kết quả thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng: Theo thống kê của Công an tỉnh, tổng số vụ việc được thực hiện TGPL từ giai đoạn điều tra vụ án: 72 vụ = 112 đối tượng. Theo số liệu báo cáo của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh: 231 vụ (hình sự 198 vụ, dân sự 33 vụ). Theo thống kê từ năm 2008 đến tháng 6/2010 của ngành Tòa án nhân dân tỉnh: tổng số vụ việc có trợ giúp pháp lý tham gia trong quá trình tố tụng tại Tòa án là 357 vụ việc (cấp tỉnh 88 vụ việc, cấp huyện 269 vụ việc). Trong đó: án hình sự 273 vụ có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư CTV tham gia, án dân sự + hôn nhân gia đình có 84 vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư CTV tham gia.
- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai đã cử Trợ giúp viên, Luật sư CTV tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tổng số 490 vụ việc (hình sự 356, dân sự 134). Riêng trong năm 2010, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung tâm TGPL cử người bào chữa cho 30 đối tượng trong 27 vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án.
Qua theo dõi, đánh giá các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử ở tỉnh trong thời gian qua đều đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ của các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Việc tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên để đại diện bào chữa cho các bị can bị cáo, các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án đã góp phần quan trọng vào việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật góp phần vào việc phổ biến giáo dục pháp luật và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng. Tuy nhiên, thông qua hoạt động kiểm sát cho thấy chất lượng bào chữa của một số vụ việc còn có một số hạn chế nhất định dẫn đến nội dung bào chữa kết quả đạt được còn chưa cao.
Việc cấp kinh phí bảo đảm phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương: Căn cứ dự toán kinh phí của các cơ quan, Sở Tài chính đã thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp phát kinh phí cho các đơn vị để thực hiện Thông tư liên tịch số 10 và các hoạt động của Hội đồng phối hợp kịp thời, theo đúng các quy định về chế độ tài chính, kết quả cụ thể qua các năm: Năm 2008, kinh phí được cấp là 75 triệu đồng; năm 2009, kinh phí được cấp là 110 triệu đồng; năm 2010, dự toán cho Hội đồng đề nghị cấp trong năm là 34 triệu đồng.
- Những tác động tích cực của Thông tư liên tịch số 10 và công tác phối hợp trong thực tiễn: Thông tư liên tịch số 10 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo sự phối hợp đồng bộ về trợ giúp pháp lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương. Sau 03 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã có sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai các hoạt động theo thông tư và đảm bảo tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án. Số vụ việc thực hiện TGPL từ giai đoạn điều tra, truy tố đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Các thủ tục để được tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý là Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý được thuận lợi. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng và gửi các bản sao bản án, quyết định cho Trợ giúp viên và cộng tác viên là Luật sư một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện cho Trợ giúp viên, Luật sư CTV nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ đối tượng, các quan điểm bào chữa BVQL, đề xuất của Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên cũng được ghi nhận trong các bản án của Toà án. Đồng thời các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phản hồi thông tin về trung tâm về chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Khó khăn, tồn tại hạn chế và nguyên nhân.
+ Xuất phát từ đặc thù của tỉnh Lào Cai là một tỉnh miền núi đa dân tộc, sống rải rác ở các vùng núi cao, không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều và đại đa số đồng bào dân tộc hiểu biết về chính sách pháp luật của nhà nước còn nhiều hạn chế do đó tình hình vi phạm và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, mặc dù đã áp dụng rất nhiều các biện pháp nhằm thông tin tuyên truyền chính sách TGPL cho nhân dân nhưng hiệu quả vẫn còn dừng ở mức độ nhất định nên một số đối tượng thuộc diện TGPL chưa biết và chủ động đến Trung tâm, Chi nhánh để được TGPL mà thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được người tiến hành tố tụng giải thích hướng dẫn, họ mới biết và thực hiện quyền yêu cầu của mình.
+ Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ trong quá trình điều tra vụ án nhằm lồng ghép nội dung phổ biến chính sách TGPL của nhà nước đối với người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn chưa được thực hiện thường xuyên và do đó chưa phát huy hết hiệu quả thực tế dẫn đến trường hợp nhiều vụ án được đưa ra giải quyết có đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng không có người tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ hoặc có vụ việc được nhiều đơn vị hướng dẫn nhưng có vụ việc thì không có đơn vị nào kiểm tra hướng dẫn. Những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại Khoản 2 điều 57 – BLTTHS và công văn số 45/C16 (P6) của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, công văn số 26 của TAND Tối cao chưa thực hiện triệt để vì thiếu luật sư, nhiều vụ án không đáp ứng được yêu cầu về thời gian theo luật định.
+ Quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận tham gia tố tụng giữa Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT ngày 28/12/2007 và Bộ luật tố tụng hình sự còn có sự xung đột pháp luật vì theo Bộ luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa tham gia tố tụng ở giai đoạn nào thỡ được cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng ở giai đoạn đó, vì vậy Giấy chứng nhận tham gia tố tụng phải đựơc cấp theo từng giai đoạn tham gia tố tụng, còn theo TTLT số 10 thì Giấy chứng nhận tham gia tố tụng có giá trị trong các giai đoạn tố tụng trừ trường hợp bị thu hồi hoặc bị thay đổi. Tuy nhiên, về nguyên tắc các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn là Bộ luật. Vì vậy,cần sửa đổi quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận tố tụng trong Bộ luật tố tụng đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
+ Đội ngũ Trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tăng lên đáng kể với tổng số 10 người nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân ở địa bàn những huyện xa trung tâm. Do một số địa bàn các huyện này nhưng vẫn chưa bố trí được Trợ giúp viên pháp lý như (huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà, huyện Mường Khương, huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn) do đó khi có vụ việc xảy ra việc cử người bào chữa ngay cho các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, nếu có Trợ giúp viên trực tiếp làm việc tại địa bàn đó thì sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
+ Hội đồng phối hợp liên ngành đã được thành lập tuy nhiên chưa có thành phần tham gia là Bộ đội Biên phòng, đây là lực lượng nòng cốt và có uy tín trong nhân dân, đặc biệt trong thời gian qua, tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn biên giới gia tăng và diễn biến khá phức tạp, lực lượng này đã góp một phần lớn vào việc thực hiện giải cứu và bảo vệ các nạn nhân bị buôn bán trở về, nếu có sự tham gia của Bộ đội Biên phòng thì công tác phối hợp thông tin trong trợ giúp pháp lý cho người dân đặc biệt là các nạn nhân của tội mua bán người sẽ được kịp thời và hiệu quả hơn.
- Kiến nghị: Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai có một số kiến nghị đề xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới:
- Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự các quy định về sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hiệu lực của Giấy chứng nhận tham gia tố tụng để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.
- Đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương nghiên cứu có hướng dẫn để Hội đồng phối hợp cấp tỉnh đề xuất bổ sung thêm thành phần là Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Biên phòng để tham gia làm thành viên Hội đồng cấp tỉnh, đảm bảo việc triển khai Thông tư số 10 càng hiệu quả hơn nhất là đối với những tỉnh có các huyện, xã biên giới, vùng cao.
- Đề nghị Hội đồng phối hợp Trung ương có hướng dẫn cụ thể về trường hợp đối tượng thuộc diện TGPL tự nguyện không nhờ TGPL trong các giai đoạn tố tụng hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng không phát hiện, hướng dẫn đối tượng TGPL yêu cầu TGPL để bảo đảm quyền lợi của họ trong quá trình tố tụng thì giải quyết như thế nào.
- Đề nghị các ngành Trung ương có hướng dẫn thống nhất về kinh phí, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động của Hội đồng, đặc biệt cấp kinh phí để tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý trong các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là đội ngũ Điều tra viên, công an viên và cán bộ tư pháp cơ sở.