Lào Cai 23° - 25°
Nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí
Để biết được vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt được hiệu quả ở mức độ nào, Bộ Tư pháp đã chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng dùng làm công cụ đánh giá và hình thành cơ chế đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

8 tiêu chuẩn đánh giá

Theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL thì có 7 tiêu chuẩn chung và 1 tiêu chuẩn về hình thức TGPL (tư vấn, tham gia tố tụng hình sự, tham gia tố tụng dân sự, tham gia tố tụng hành chính, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, liên quan đến thủ tục hành chính và khiếu nại).

Các tiêu chuẩn chung bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp xúc, trình bày và cung cấp thông tin về vụ việc TGPL; tính khách quan, toàn diện và kịp thời; đáp ứng được yêu cầu hợp pháp của người được TGPL; tuân thủ và phù hợp với pháp luật, không trái đạo đức xã hội; đáp ứng các yêu cầu về trình tự, thủ tục; kiểm soát được hậu quả pháp lý phát sinh từ nội dung TGPL; về việc lập hồ sơ vụ việc TGPL.

Quyết định 11 quy định, vụ việc TGPL có chất lượng khi đáp ứng các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn về hình thức TGPL trên đây. Tuy nhiên, nếu nội dung tư vấn, quan điểm bào chữa, đại diện, quan điểm hòa giải đúng pháp luật mà không được người có yêu cầu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận nhưng là căn cứ để yêu cầu xem xét lại vụ việc hoặc phù hợp với kết quả giải quyết cuối cùng và nội dung TGPL là căn cứ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật thì vụ việc vẫn đạt chất lượng.

Tối đa 100 điểm

Còn Hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc được ban hành kèm theo Quyết định số 32 của Cục trưởng Cục TGPL nêu rõ, việc phân loại chất lượng vụ việc được xác định trên cơ sở số điểm đạt được của vụ việc. Số điểm tối đa cho một vụ việc là 100 điểm, trong đó số điểm tối đa của các tiêu chuẩn chung là 70 điểm (10 điểm/ tiêu chuẩn chung) và số điểm tối đa của mỗi hình thức TGPL của vụ việc là 30 điểm. Trên cơ sở tổng số điểm đạt được sẽ phân loại thành vụ việc đạt chất lượng tốt (từ 80 điểm trở lên), đạt chất lượng (từ 50 – dưới 80 điểm) và không đạt chất lượng (dưới 50 điểm).

Phó cục trưởng Cục TGPL Trần Huy Liệu cho biết, việc đánh giá chất lượng vụ việc sẽ do người trực tiếp thực hiện TGPL tự tiến hành rồi gửi về Trung tâm để Trung tâm cử người đánh giá một lần nữa. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL có quyền thành lập Đoàn đánh giá để đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Ông Liệu cũng lý giải, đánh giá chất lượng vụ việc được xem là hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nhằm xác định mức độ chất lượng của vụ việc TGPL đã hoàn thành căn cứ vào những tiêu chuẩn đánh giá nói trên. Qua đấy, đưa ra những kết luận khách quan, chính xác về chất lượng vụ việc TGPL, làm cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp cần thiết nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp của tổ chức thực hiện TGPL.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập