Kết quả 04 năm thực hiện Luật TGPL và 02 năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Trong những năm qua triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) ngày 29/6/2006; Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015, ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 4 năm triển khai thực hiện Luật TGPL và 02 năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật cụ thể như sau:
* Kết quả thực hiện Luật TGPL và Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm
1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật TGPL và Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện bao gồm: Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 26/3/2007 về việc triển khai thực hiện Luật TGPL; Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 24/5/2007 về việc đổi tên Trung tâm TGPL của Nhà nước tỉnh Lào Cai thành Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai; Quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 12/9/2007 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai và Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước; Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 10/10/2007 về việc kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai và thành lập các Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước; Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 14/4/2008 về việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai; Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 08/5/2008 thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2978/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 của UBND tỉnh Lào cai về việc kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào cai.
2. Công tác phổ biến, quán triệt và triển khai Luật TGPL ở địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo đơn vị chuyên môn (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh) tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi các quy định của Luật TGPL thông qua nhiều hình thức khác nhau như: phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (viết bài giới thiệu về Luật TGPL đăng trên 02 số Báo Lào Cai liên tiếp); đặt 70 Biển thông tin các quy định pháp luật về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà tạm giam, Trại tạm giữ, trụ sở Phòng Tư pháp. Tổ chức biên soạn, in, cấp phát khoảng 10.000 tờ gấp pháp luật được dịch sang chữ dân tộc Mông; in, sao khoảng hơn 1.000 băng catset, đĩa CD có nội dung tuyên truyền về Luật TGPL cấp phát cho nhân dân trong các xã; phổ biến các quy định của Luật TGPL thông qua các đợt TGPL lưu động về cơ sở, các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, các cuộc họp giao ban để cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về TGPL đồng thời giúp cho người được TGPL thực hiện quyền yêu cầu của mình khi có vướng mắc về pháp luật. Tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về TGPL và quán triệt Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT cho 80 cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà tạm giam, Trại tạm giữ, Bộ chi huy biên phòng trên địa bàn tỉnh.
3. Việc củng cố, xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL ở cơ sở.
3.1. Quá trình củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm TGPL nhà nước.
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 18/5/1998 của UBND tỉnh, đến trước thời điểm Luật TGPL ra đời, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm có Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và 07 chuyên viên TGPL, 01 kế toán.
Luật TGPL được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007, quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy TGPL, mở rộng diện đối tượng được hưởng TGPL miễn phí… là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước và thành lập các Chi nhánh trực thuộc trung tâm đặt tại các huyện. Do vậy, ngày 12/9/2007, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai và Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước, Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 10/10/2007 kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai và thành lập các Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước để đảm bảo tăng cường năng lực cho trung tâm TGPL và hướng mạnh hoạt động TGPL về cơ sở với cơ cấu bộ máy trung tâm gồm có lãnh đạo trung tâm và 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ, thành lập 08 Chi nhánh TGPL đặt tại 08 huyện. Để đảm bảo hoạt động TGPL theo hướng chuyên môn hoá theo lĩnh vực pháp luật TGPL quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV và đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân tại các xã trên địa bàn TP Lào Cao, đến ngày 24/9/2009, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2978/QĐ-UBND thay thế cho quyết định số 2588/QĐ-UBND kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai theo hướng đổi tên các phòng nghiệp vụ, thành lập mới Phòng pháp luật lao động – xã hội và Chi nhánh TGPL số 9 đặt tại địa bàn phường Pom Hán (TP Lào Cai).
Do vậy, đến nay cơ cấu tổ chức của Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, các chi nhánh được thành lập tại 100% các huyện, thành phố. Bộ máy trung tâm gồm có: Lãnh đạo trung tâm: Giám đốc và 02 Phó giám đốc; Các phòng chuyên môn nghiệp vụ gồm 4 phòng gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Pháp luật Hình sự - Hành chính; Phòng Pháp luật Dân sự - Đất đai; Phòng Pháp luật Lao động - Xã hội; Các Chi nhánh trực thuộc trung tâm bao gồm 09 chi nhánh đặt tại 08 huyện và thành phố Lào Cai.
3.2. Tổng số cán bộ và cộng tác viên trung tâm.
- Cán bộ: Tổng số biên chế được giao: 36; Tổng số cán bộ hiện có: 26 (số cán bộ bố trí ở trung tâm 12, ở chi nhánh 14); Tổng số Trợ giúp viên pháp lý: 10, trong đó số Trợ giúp viên pháp lý là nữ giới 05/10 (chiếm 50%).; số Trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc thiểu số 01/10 (10%).
- Cộng tác viên: Tổng số cộng tác viên TGPL: 116. Trong đó: CTV cấp tỉnh: 10, CTV cấp huyện: 39, CTV cấp xã: 67.
- Phát triển mạng lưới TGPL ở cơ sở: Đã thành lập Câu lạc bộ TGPL tại tất cả các xã thuộc chương trình 135 giai đoạn II và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Số CLB TGPL được thành lập trong chương trình 135 giai đoạn II: 95. Số CLB TGPL được thành lập trong chương trình MTQGGN: 26.
4. Kết quả hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL từ khi thực hiện Đề án đến nay.
Theo số liệu báo cáo từ năm 2007 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai đã thực hiện tổng số 10.101 vụ việc của 10.163 đối tượng, trong đó số vụ việc tư vấn pháp luật là 9.291 vụ, số vụ việc đại diện, bào chữa là 807 vụ, số vụ kiến nghị là 03 vụ. Qua theo dõi và đánh giá chất lượng các vụ việc TGPL đã thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu về mặt tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, hồ sơ thủ tục đảm bảo theo quy định, quyền và lợi ích của người được TGPL được đảm bảo, chưa có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng TGPL và phát sinh trách nhiệm bồi thường; qua đó đã góp phần nâng cao uy tín của trung tâm và tạo dựng niềm tin của đối tượng vào hoạt động TGPL.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL, thành viên Câu lạc bộ TGPL được tiến hành thường xuyên. Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho các cộng tác viên, thành viên Câu lạc bộ TGPL, tập huấn nghiệp vụ TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù như người nhiễm HIV/AIDS (năm 2007: 01 lớp, năm 2008: 06 lớp, năm 2009: 07 lớp, năm 2010: 3 lớp).
Thời gian tổ chức tập huấn từ 01 – 03 ngày, phương pháp tập huấn được nghiên cứu đổi mới, chú trọng đến việc đưa ra các tình huống để học viên giải quyết, thực hành sử dụng các biểu mẫu nghiệp vụ và tăng cường thảo luận, giải đáp các vướng mắc trong thực tiễn hoạt động tại cơ sở. Nội dung tập huấn được nghiên cứu phù hợp với từng lớp, từng đối tượng trong đó tập trung nhiều vào kỹ năng tư vấn pháp luật, trình tự thủ tục thực hiện TGPL, kỹ năng sinh hoạt câu lạc bộ TGPL và tập huấn chuyên sâu một số văn bản pháp luật có liên quan để học viên vận dụng thường xuyên trong quá trình hoạt động TGPL tại cơ sở như Luật đất đai, bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, Bộ luật dân sự, Luật khiếu nại tố cáo…
- Số lượng các đợt TGPL lưu động được thực hiện từ năm 2007 đến nay: 285 đợt tại 217 xã, thị trấn. Qua TGPL lưu động đã kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về TGPL, văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan mật thiết với người dân và trực tiếp tiếp nhận tư vấn pháp luật 3.414 yêu cầu (chiếm 33,8% trên tổng số vụ việc mà trung tâm đã thực hiện).
- Hoạt động của các Câu lạc bộ TGPL: Các Câu lạc bộ TGPL trên địa bàn toàn tỉnh duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, nội dung sinh hoạt phong phú. Qua việc tổ chức sinh hoạt CLB TGPL đã góp phần vào việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong cộng đồng dân cư; trực tiếp đưa ra trao đổi thảo luận tại c¸c buæi sinh ho¹t cho 966 trường hợp có vướng mắc, tranh chấp nhỏ trong nhân dân để tìm biện pháp tháo gỡ. Thông qua sinh hoạt CLB, các thành viên CLB đã cấp phát miễn phí nhiều tờ gấp pháp luật cho nhân dân trong các xã.
Thông qua hoạt động TGPL lưu động hướng về địa bàn các xã xa trung tâm, đã tạo điều kiện cho các đối tượng không có khả năng kinh tế, phương tiện tiếp cận với tổ chức TGPL, trực tiếp được hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước, giảm thời gian, chi phí đi lại cho đối tượng. Qua đó người dân vẫn được cung cấp thông tin pháp luật, được giải đáp thắc mắc, hiểu thêm về các quyền và nghĩa vụ của công dân theo pháp luật. Việc giải đáp thắc mắc, phổ biến pháp luật còn được phát trên loa truyền thanh của xã giúp cho những người không có điều kiện tham dự tiếp nhận thông tin pháp luật, tạo hiệu quả lan rộng trong cộng đồng dân cư. Số lượng các vụ việc trợ giúp thông qua các đợt TGPL lưu động thường chiếm tỷ lệ cao (33,8%) trong tổng số vụ việc mà trung tâm đã thực hiện. Đây cũng là một phương thức nhanh nhất để người dân tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí mà nhà nước dành cho họ.
Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ - UBND ngày 08/05/2008 thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh được tiến hành thuận lợi theo đúng hướng dẫn của liên ngành Trung ương. Các cơ quan, người tiến hành tố tụng đều xác định rõ trách nhiệm phối hợp kịp thời, cung cấp thông tin, cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng và gửi các bản sao bản án, quyết định cho Trợ giúp viên và cộng tác viên là Luật sư một cách nhanh chóng đồng thời tạo điều kiện cho Trợ giúp viên, Luật sư CTV nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ đối tượng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được TGPL, ngoài ra còn giúp cho quá trình giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật. Vì vậy, các vụ việc tham gia tố tụng mà Trung tâm TGPL đã thực hiện đều đạt kết quả tốt, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng, không có vụ việc nào gây thiệt hại và phát sinh trách nhiệm bồi thường. Số vụ việc được thực hiện từ giai đoạn đầu của vụ án tăng lên đáng kể, riêng trong năm 2010, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung tâm TGPL cử người bào chữa cho 30 đối tượng trong 27 vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra.
Ngoài ra, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh còn phối hợp tốt với các cơ quan như Phòng Tư pháp huyện, thành phố, UBND các xã thành lập và quản lý hoạt động của các CLB TGPL trong chương trình 135 giai đoạn II và chương trình MTQGGN; Thực hiện các hoạt động phối hợp với Tỉnh hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh để thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, người nhiễm HIV...
5. Bảo đảm về cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động TGPL.
- Hiện trạng trụ sở: Trung tâm TGPL được UBND tỉnh giao tạm thời sử dụng trụ sở làm việc cũ của Chi cục Quản lý thị trường (tại số nhà 075, đường Thanh niên, Phường Duyên Hải, TP Lào Cai). Trụ sở có 07 phòng làm việc và 01 phòng họp trước mắt đáp ứng nhu cầu.
- Cơ sở vật chất của Trung tâm: Phương tiện hoạt động: 01 xe ô tô 07 chỗ ngồi đã cũ BKS 24C- 0207 (được nhận điều chuyển từ UBND huyện Bát Xát) và 02 xe máy (cấp từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án). Tủ sách pháp luật: đã xây dựng được số lượng đầu sách khoảng 27.000.000 đồng trên các lĩnh vực: Hình sự- TTHS, Dân sự- TTDS, Hôn nhân và gia đình, Hành chính, Khiếu nại tố cáo, Chế độ chính sách, Lao động…
- Cơ sở vật chất của chi nhánh.
+ Trụ sở: Chi nhánh số 9, thành phố Lào cai được bố trí trụ sở làm việc độc lập tại cơ quan Chi cục kiểm lâm Cam đường cũ (phường Pom Hán, TP Lào Cai). Các chi nhánh còn lại được bố trí 01 phòng làm việc trong trụ sở của UBND huyện.
+ Phương tiện làm việc: Mỗi chi nhánh được bố trí bàn ghế làm việc, tiếp dân, tủ đựng tài liệu, 01 bộ máy vi tính + máy in có kết nối internet.
* Đánh giá chung và những bài học kinh nghiệm.
1. Đánh giá chung.
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật kịp thời đúng tiến độ, trong 04 năm qua, Luật TGPL đã phát huy tác dụng trong đời sống. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cán bộ, nhân dân về hoạt động này đã cơ bản thống nhất. Tổ chức bộ máy làm công tác TGPL được quan tâm tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn có hiệu quả, đưa hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân, khẳng định vai trò nòng cốt của Nhà nước đối với việc giúp đỡ pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Những thuận lợi, khó khăn và hạn chế.
- Thuận lợi: Có hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thi hành Luật TGPL đồng bộ, chi tiết, phù hợp với thực tiễn, dễ vận dụng để triển khai thực hiện tại địa phương. Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội ở địa phương tham gia TGPL. Việc quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL và thành lập Chi nhánh TGPL huyện đảm bảo sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu đề ra.
- Khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn:
+ Do thiếu nguồn quy hoạch các chức danh Trưởng Chi nhánh TGPL nên hiện tại mới có Chi nhánh số 9, TP Lào Cai có Trưởng Chi nhánh TGPL. Các Chi nhánh số 1 huyện Si Ma Cai, số 2 huyện Bắc Hà, số 3 huyện Văn Bàn, số 4 huyện Bảo Yên và số 5 huyện Mường Khương, số 7 huyện Bảo Thắng mới chỉ có cán bộ chuyên trách là các chuyên viên pháp lý, chưa có Trợ giúp viên pháp lý để đảm bảo hoạt động TGPL theo đúng quy định của Luật.
+ Số lượng Trợ giúp viên pháp lý hiện có của Trung tâm chưa đủ để đảm bảo mỗi lĩnh vực pháp luật đều có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách đảm nhiệm.
+ Số lượng cán bộ được phân bổ cho chi nhánh còn quá ít so với khối lượng công việc mà chi nhánh phải đảm nhiệm.
+ Đội ngũ cộng tác viên đã được phát triển mở rộng tuy nhiên chất lượng hoạt động không đồng đều, phần lớn cộng tác viên hoạt động do kiêm nhiệm nên còn chưa thật sự tâm huyết và nhiệt tình với công tác TGPL, đa phần thực hiện TGPL đối với những vụ việc đơn giản. Số lượng cộng tác viên là luật sư còn quá ít (5 luật sư là cộng tác viên) do đó nếu yêu cầu TGPL trong lĩnh vực tham gia tố tụng càng tăng thì dễ dẫn đến tình trạng quá tải, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện quá nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc TGPL.
+ Hoạt động của một số Câu lạc bộ TGPL còn mang tính hình thức, việc tổ chức sinh hoạt ở nhiều nơi còn mang tính khép kín, chưa chú trọng và nâng cao chất lượng, đầu tư cho buổi sinh hoạt đảm bảo tính phong phú và có hiệu quả lan rộng trong cộng đồng dân cư.
+ Quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận tham gia tố tụng giữa Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT ngày 28/12/2007 và Bộ luật tố tụng hình sự còn có sự xung đột pháp luật trong quá trình áp dụng trên thực tế, địa vị pháp lý của Trợ giúp viên khi tham gia tố tụng với vai trò là người bào chữa chưa được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Do đặc thù của Lào Cai là một tỉnh vùng cao, người dân tộc thiểu số chiếm đa số, nhiều người không biết tiếng nói và chữ viết phổ thông do vậy, mặc dù công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và truyền thông về TGPL nói riêng đã được triển khai bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng một bộ phận người được TGPL đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng núi cao vẫn chưa thật sự hiểu biết sâu sắc về chính sách TGPL của nhà nước và thực hiện quyền yêu cầu của mình khi có vướng mắc về pháp luật.
+ Chưa tích cực huy động các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia TGPL.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
- Để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và Trưởng Chi nhánh TGPL, các cán bộ phải đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật và trải qua các khoá học đào tạo nghề Luật sư, khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, do vậy tốn khá nhiều thời gian nên trước mắt chưa thể có đủ nguồn để bổ nhiệm các chức danh này.
- Phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh mới được thành lập và đang trong quá trình củng cố phát triển về tổ chức nên chưa đăng ký tham gia TGPL.
- Các Câu lạc bộ TGPL đã được thành lập tại tất cả các xã thuộc 2 chương trình, tuy nhiên một số nơi cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao đến hoạt động này nên việc tổ chức sinh hoạt còn chưa thường xuyên, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Hơn nữa, do đây là một mô hình hoạt động khá mới mẻ tại cơ sở, các thành viên tham gia do kiêm nhiệm nhiều hoạt động, năng lực còn hạn chế nên còn nhiều lúng túng trong triển khai và nghiên cứu để nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt.
2. Những bài học kinh nghiệm.
Qua 04 năm triển khai thực hiện Luật TGPL và quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau:
- Về công tác truyền thông: Việc tổ chức biên soạn, in ấn các tờ gấp pháp luật, biển bảng thông tin phù hợp với đặc thù cơ cấu dân cư dân tộc của tỉnh đặc biệt đã dịch các nội dung pháp luật sang chữ dân tộc Mông và in sao thành băng catset, đĩa CD cấp phát cho các xã, thôn, bản để phát trên loa truyền thanh của xã và trong các buổi sinh hoạt CLB TGPL, họp thôn là một hình thức tuyên truyền Luật TGPL và các quy định pháp luật có hiệu quả nhất được cán bộ và nhân dân trong các xã đón nhận và đánh giá cao.
- Về kiện toàn tổ chức bộ máy và thành lập chi nhánh: Xây dựng và phê duyệt Đề án kiện toàn Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh ngay sau khi có Kế hoạch triển khai thực hiện Luật TGPL đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu và điều kiện thành lập chi nhánh TGPL tại tất cả các huyện và thành phố vì phần lớn người dân thuộc diện TGPL đều sinh sống ở các địa bàn này và họ không có điều kiện để thuê Luật sư giúp đỡ về pháp luật khi quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng, các địa bàn này cũng chưa có tổ chức hành nghề luật sư nào đăng ký hoạt động, từ đó tiến hành các thủ tục đề củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm TGPL. Chính vì vậy, Lào Cai là một tỉnh có tổ chức thực hiện TGPL được củng cố kiện toàn sớm nhất trong cả nước và có Chi nhánh được thành lập tại địa bàn thành phố.
- Về công tác chuyên môn nghiệp vụ: Giải quyết 100% yêu cầu TGPL tiếp nhận đúng pháp luật và trong thời gian ngắn nhất. Quá trình tổ chức các hoạt động TGPL hướng về cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, chú trọng đến những địa bàn phát sinh nhiều vướng mắc pháp luật tạo thành “điểm nóng” để trực tiếp tư vấn pháp luật cho nhân dân, giúp họ giải tỏa những vướng mắc về pháp luật đồng thời góp phần giúp chính quyền địa phương ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa bàn.
* Một số kiến nghị, đề xuất.
Từ thực tiễn triển khai Luật TGPL và triển khai Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Luật TGPL trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
- Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự các quy định, khẳng định tư cách pháp lý về sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên TGPL, hiệu lực của Giấy chứng nhận tham gia tố tụng để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.
- Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề nghị Chính Phủ bổ sung các chính sách để có thể thu hút các nguồn lực tham gia TGPL, chú trọng đến chính sách ưu đãi đối với các cán bộ công tác TGPL tại những vùng miền đặc thù như vùng cao biên giới, hải đảo...
- Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục hỗ trợ học phí đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức đối với các tỉnh khó khăn, miền núi vùng cao biên giới.
- Đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật TGPL theo hướng bổ sung thêm diện người được TGPL đối với nhóm người chưa thành niên, người dân tộc thiểu sống nhưng sinh sống tại tất cả các xã, phường thị trấn không nhất thiết phải sinh sống ở xã vùng đặc biệt khó khăn, người cận nghèo…