Lào Cai 25° - 28°
19 năm hình thành và phát triển Ngành Tư pháp Lào Cai
Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc được chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn từ tháng 10/1991, cùng với sự ra đời của tổ chức bộ máy các cơ quan tỉnh Lào Cai, Sở Tư pháp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/10/1991.
Thời kỳ đầu mới thành lập với bộ máy của Sở gồm 11 cán bộ, trong đó 01 Phó Giám đốc quyền Giám đốc Sở, 01 Trưởng phòng tổ chức, 01 Chánh Văn phòng, 05 cán bộ nghiệp vụ và 03 cán bộ hành chính. Trình độ chuyên môn có 04 Đại học Luật, 01 Cao đẳng Toà án, 01 Trung cấp luật, còn lại chưa qua đào tạo. Hệ thống cơ quan bổ trợ tư pháp như Luật sư, Công chứng, Giám định, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập, thậm chí có nơi còn chưa có; Biên chế của hệ thống cơ quan Toà án 10 huyện, thị có 63 người (Trong đó bao gồm cả cán bộ làm công tác thi hành án dân sự) với 07 cán bộ trình độ Đại học luật, 06 cán bộ Cao đẳng, 30 cán bộ Trung cấp luật và 20 cán bộ chưa qua đào tạo; cơ sở vật chất như trụ sở làm việc, trang thiết bị làm việc phục vụ cho công tác còn tạm bợ, đơn sơ, có cơ quan Toà án không có Hội trường xét xử…
 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành; 19 năm qua Ngành Tư pháp tỉnh Lào Cai từng bước lớn mạnh và trưởng thành cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất cũng như về công tác chuyên môn nghiệp vụ. Hệ thống cơ quan tư pháp từ tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp như: Luật sư, Công chứng, các tổ chức Trung tâm Giám định tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã được thành lập và thường xuyên được củng cố, kiện toàn một cách đồng bộ, hoạt động đạt hiệu quả cao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật góp phần ổn định kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức thuộc Sở Tư pháp là 71 người, trong đó: Văn phòng Sở là 31 người; Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh TGPL là 27 người; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản là 08 người; Phòng công chứng số 1 là 05 người. Trình độ chuyên môn: 01 Cao học Luật; 48 cán bộ Đại học Luật; 05 cán bộ Đại học, cao đẳng ngành khác; 13 cán bộ Trung cấp; 04 cán bộ là văn thư và lái xe. 9/9 huyện, thành phố có Phòng Tư pháp, mỗi phòng có từ 5 đến 6 cán bộ có trình độ từ Trung cấp Luật trở lên. Trong tổng số 163 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có 181 cán bộ Tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được chuyển giao từ cơ quan Toà án sang Sở Tư pháp từ ngày 01/7/1993, ngay sau khi nhận bàn giao Sở Tư pháp đã nhanh chóng tiến hành việc kiện toàn về tổ chức cán bộ, đặc biệt là đề nghị bổ nhiệm đội ngũ chấp hành viên nhằm đưa công tác thi hành án đi vào hoạt động một cách có hiệu quả.
Ngày 10/12/2009, công tác quản lý tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự đã được tổ chức bàn giao từ Sở Tư pháp sang Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh theo kế hoạch thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự. Sau 16 năm quản lý về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã có những b­ước tiến đáng ghi nhận, hiện có 98 công chức, 100% trình độ từ trung cấp chuyên ngành trở lên (trong đó 74% trình độ đại học). Thực hiện Nghị quyết 56/2002/QH 10 ngày 02/4/2002 của Quốc hội khoá 10 về việc thi hành Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND. Sau 11 năm quản lý về mặt tổ chức Sở Tư pháp đã từng bước củng cố kiện toàn hệ thống cơ quan TAND các huyện, thị nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ Toà án có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đã tiến hành việc bàn giao công tác quản lý TAND cấp huyện về mặt tổ chức sang TAND tỉnh quản lý, với tổng số 95 biên chế gồm 46 cán bộ có trình độ Đại học Luật và tương đương, 31 cán bộ đang học Đại học Luật, 12 cán bộ có trình độ Trung cấp và 6 cán bộ làm công tác Văn thư lưu trữ. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong ngành được quan tâm đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trình UBND tỉnh mở 03 lớp tại chức Đại học Luật, 03 lớp Trung cấp Luật đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thường xuyên phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh và UBND các huyện, thành phố mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn để tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cử nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học các lớp Cao cấp chính trị tại tỉnh và tại Hà Nội, các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh Công chứng viên, Trợ giúp viên, Đấu giá viên, các lớp quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính và chương trình chuyên viên.
 Cùng với tiến trình phát triển đi lên của đất nước trong thời kỳ đổi mới, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp được mở rộng, trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn. Trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn, ngành luôn bám sát sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, tình hình chính trị ở địa phương với phương châm tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm có tính chất bức xúc nhất hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Kết quả công tác chuyên môn nghiệp vụ của ngành trong những năm qua có thể đánh giá một cách khách quan như sau: Công tác xây dựng và quản lý văn bản quy phạm pháp luật: Với chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc xây dựng quản lý và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở đại phương, Sở Tư pháp đã trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia cùng các ngành soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh giao. Tổ chức lấy ý kiến các ngành các cấp tham gia vào dự thảo các văn bản pháp luật do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh giao. Từ năm 2004 đến nay, Cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, huyện được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như: công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực thi hành theo quy định của Nghị định số 135 của Chính phủ hiện nay đã được Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung; Công tác Theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Công tác Bồi thường nhà nước theo Luật Bồi thường của nhà nước; Công tác lý lịch tư pháp theo Luật Lý lịch tư pháp. Hiện tại những nhiệm vụ mới đang được chỉ đạo xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Để đưa công tác quản lý văn bản đi vào nề nếp, Sở Tư pháp thường xuyên tiến hành rà soát, hệ thống hoá in thành tuyển tập văn bản quy phạm pháp luật cấp phát cho các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới xã, phường, thị trấn để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động về quản lý Nhà nước ở địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt, góp phần vào việc nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được triển khai một các đồng bộ, đa dạng với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo, loa, đài phát thanh truyền hình, Bản tin tư pháp, Hỏi đáp pháp luật, Thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức hội nghị báo cáo viên pháp luật, nói chuyện chuyên đề về pháp luật qua các buổi sinh hoạt Đoàn, Đảng, các tổ chức xã hội. Trong công tác tuyên truyền đã có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp với các chương trình lồng ghép đã đem lại hiệu quả thiết thực. Vai trò của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được phát huy, tập hợp được mọi lực lượng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền. Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, trong đó có thành phần là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần vào việc đưa pháp luật đến các xã vùng cao. Công tác xây dựng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn đã được tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch của tỉnh, hiện nay Sở Tư pháp đã chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là công tác Hoà giải ở cơ sở được quan tâm một cách đúng mức. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp Lào Cai đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, kết quả hiện nay ở Lào Cai có 2.127 tổ hoà giải với 9.593 Hoà giải viên mỗi năm hoà giải được nhiều mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân. Năm 2000 tổ chức Hội thi “Hoà giải viên giỏi” dưới hình thức sân khấu hoá ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh, dự thi “Hoà giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ nhất đạt giải ba. Năm 2005 tổ chức“Hoà giải viên giỏi” lần thứ II dự thi “Hoà giải viên giỏi” toàn quốc đạt giải nhì. Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp bao gồm các lĩnh vực quản lý và đăng ký hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp, công tác Luật sư, công chứng, giám định, mọi nhu cầu của nhân dân đã được tập trung giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã được củng cố kiện toàn, được UBND tỉnh phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới Trợ giúp pháp lý, thành lập 09 Chi nhánh trợ giúp pháp lý phụ thuộc trung tâm tại 09 huyện, thành phố trong tỉnh, với đội ngũ cộng tác viên đông đảo, tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.
 Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành Tư pháp tỉnh Lào Cai trong những năm qua với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, xác định được mô hình hoạt động phù hợp với đặc thù của một tỉnh biên giới, ngành đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Căn cứ thành tích đạt được qua các năm Ngành đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong ngành được tặng Bằng khen, giấy khen. Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, trong những năm tới ngành Tư pháp Lào Cai quyết tâm vững bước tiến lên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào việc xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phồn vinh và giàu đẹp./.
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập