Lào Cai 25° - 26°
Lịch sử hình thành và phát triển của Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai

I. Sơ lược về bối cảnh lịch sử và thời gian thành lập Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.

Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc được chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn tháng 10/1991. Cùng với sự ra đời của tổ chức bộ máy các cơ quan tỉnh Lào Cai, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai được thành lập và đi vàp hoạt động từ tháng 10/1991 theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 25/10/1991 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thành lập tổ chức các cơ quan chuyên môn, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh từ đó đến nay vẫn giữ nguyên tên gọi là Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.

- Năm 1991: Mới thành lập Sở Tư pháp được tập kết tại thị trấn Phố Lu huyện Bảo Thắng với bộ máy của sở gồm 11 cán bộ, hệ thống cơ quan Toà án 10 huyện, thị có 63 người (Trong đó bao gồm cả cán bộ làm công tác thi hành án dân sự).

- Năm 1993: Sở Tư pháp chuyển trụ sở làm việc đến số nhà 143 đường Hoàng Liên – thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đến tháng 7/1993, công tác thi hành án dân sự được chuyển giao sang cơ quan Tư pháp quản lý, Sở Tư pháp Lào Cai đã thành lập Phòng Thi hành án dân sự tỉnh và Đội thi hành án dân sự ở 10/10 huyện, thị.

- Năm 1997: Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Lào Cai là đơn vị thuộc UBND tỉnh quản lý được chuyển giao cho Sở Tư pháp quản lý (Quyết định số 123/QĐ-UB ngày 06/6/1997 của UBND tỉnh Lào Cai)

- Năm 1998: Thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 15/5/1998 của UBND tỉnh Lào Cai); Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Quyết định số 293/1998/QĐ-UB ngày 06/11/1998 của UBND tỉnh Lào Cai); Phòng Công chứng nhà nước số 2 (Quyết định số 289/QĐ-UB ngày 02/11/1998 của UBND tỉnh Lào Cai)

- Năm 2000: Huyện Bắc Hà được tách thành hai huyện Si Ma Cai và Bắc Hà, thành lập Tòa án nhân dân huyện Si Ma Cai và Đội Thi hành án dân sự huyện Si Ma Cai.

- Năm 2001: UBND tỉnh quyết định đổi tên Phòng Công chứng nhà nước số 1 thành Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng nhà nước số 2 thành Phòng Công chứng số 2.

- Năm 2002:

+ Thực hiện Nghị định số 16/2002/NĐ-CP ngày 31/01/2002 của Chính phủ về việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã Lào Cai tỉnh Lào Cai; Tòa án nhân dân thị xã Lào Cai và TAND thị xã Cam Đường sáp nhập thành TAND thị xã Lào Cai; Đội THA dân sự thị xã Lào Cai và Đội THA dân sự thị xã Cam Đường sáp nhập thành Đội Thi hành án dân sự thị xã Lào Cai..

+ Thực hiện Nghị quyết 56/2002/QH 10 ngày 02/4/2002 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; sau 11 năm quản lý về mặt tổ chức, Sở Tư pháp đã tiến hành việc bàn giao công tác quản lý TAND cấp huyện về mặt tổ chức sang TAND tỉnh quản lý.

- Năm 2003: Phòng Công chứng số 2 giải thể theo Quyết định 383/QĐ-UB ngày 22/8/2003 của UBND tỉnh;

- Năm 2004:

+ Thực hiện việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, Sở Tư pháp bàn giao công tác quản lý Đội Thi hành án dân sự huyện Than Uyên cho tỉnh Lai Châu.

+ Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV, cơ quan Thi hành án dân sự không phải là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, và Sở Tư pháp chỉ thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý tổ chức cán bộ theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

*  Bộ máy tổ chức Sở Tư pháp giai đoạn từ 1996 đến 2005 (Theo quy định tại Quyết định số 168/QĐ-UB ngày 11/9/1996).

- Ban Giám đốc;

- Các Phòng chuyên môn và tổ chức giúp việc, gồm: Phòng văn bản pháp quy và phổ biến giáo dục pháp luật; Phòng tổ chức quản lý toà án, thi hành án; Phòng quản lý công tác luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch .... ; Thanh tra sở; Phòng tổ chức hành chính tổng hợp.

- Các đơn vị trực thuộc sở, gồm: Phòng công chứng nhà nước số l; Phòng thi hành án dân sự; Đội thi hành án các huyện, thị xã; Toà án nhân dân các huyện, thị xã.

* Bộ máy tổ chức Sở Tư pháp giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010: Theo Quyết định số 798/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005.

- Ban giám đốc, gồm: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc.

- Các phòng chuyên môn và tổ chức giúp việc, gồm: Phòng Văn bản Pháp quy; Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp - Bổ trợ tư pháp; Văn phòng Sở và Thanh tra Sở;

- Các đơn vị thuộc sở gồm:  Phòng Công chứng số 1; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

- Năm 2009: Việc quản lý công tác tổ chức, cán bộ THA dân sự theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp được bàn giao từ Giám đốc Sở Tư pháp sang cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.

* Bộ máy tổ chức Sở Tư pháp giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013: Theo Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 04/9/2009:

- Ban giám đốc, gồm: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc.

- Các phòng chuyên môn và tổ chức giúp việc, gồm: Phòng Xây dựng và Thi hành văn bản QPPL; Phòng Kiểm tra văn bản QPPL; Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp; Văn phòng Sở và Thanh tra Sở.

- Các đơn vị thuộc sở gồm: Phòng Công chứng số 1; Trung tâm trợ giúp pháp lý; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

- Từ 01/7/2013: Chuyển nhiệm vụ và tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng UBND tỉnh sang thành lập Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp Lào Cai (Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 của UBND tỉnh Lào Cai)

* Từ tháng 6 năm 2011: Sở Tư pháp chuyển trụ sở làm việc đến tầng Tầng III, khối 6, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai tỉnh Lào Cai

II. Chức năng.

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hoà giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật;

III. Nhiệm vụ và quyền hạn

Nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2009/TTLT- BTP-BNV, ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã, cụ thể:

1. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực tư pháp;

b) Dự thảo kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm và các đề án, dự án, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước, cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp;

c) Dự thảo quy hoạch phát triển nghề luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản và các nghề tư pháp khác ở địa phương thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp;

d) Dự thảo văn bản pháp luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp Trưởng, cấp Phó các tổ chức thuộc Sở Tư pháp; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc Sở Tư pháp;

b) Dự thảo quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý công tác tư pháp ở địa phương.

3. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác tư pháp được giao.

4. Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

a) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính lập dự thảo Dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh do các cơ quan chuyên môn khác của Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì soạn thảo;

c) Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

5. Về thi hành văn bản quy phạm pháp luật:

a) Theo dõi chung tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương;

b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Tổng hợp, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương và kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

6. Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

b) Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân thành phố Lào Cai; Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn; Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

c) Kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

8. Về phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Làm Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh;

c) Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật; biên soạn, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp;

đ) Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cấp xã và ở các cơ quan, đơn vị khác theo quy định của pháp luật.

9. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và các Sở có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, làng, bản (gọi chung là thôn); tổ dân phố, khu phố và một số hình thức khác (gọi chung là tổ dân phố) phù hợp với quy định của pháp luật.

10. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.

11. Về công chứng, chứng thực:

a) Tổ chức thực hiện quy hoạch, đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng;

b) Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức, hoạt động của các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng ở địa phương;

c) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập, thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án thành lập, giải thể Phòng công chứng khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

d) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

12. Về hộ tịch, quốc tịch, con nuôi có yếu tố nước ngoài và lý lịch tư pháp:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch;

c) Trực tiếp giải quyết các việc về hộ tịch, con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các việc về hộ tịch, nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật;

đ) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc thu hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trái với quy định của pháp luật;

e) Quản lý, sử dụng, lưu trữ các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định pháp luật; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch;

g) Cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý, lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật;

h) Thụ lý, thẩm tra hồ sơ các việc về quốc tịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đề xuất hoặc giải quyết theo thẩm quyền; quản lý, lưu trữ các hồ sơ về quốc tịch.

13. Về luật sư và tư vấn pháp luật:

a) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập, giải thể, phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;

b) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật, Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật;

c) Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư báo cáo về tình hình hoạt động khi cần thiết;

d) Tổ chức thực hiện quy hoạch, đề án phát triển tổ chức hành nghề luật sư ở địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề luật sư ở địa phương;

đ) Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật; hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các tư vấn viên pháp luật theo quy định của pháp luật;

e) Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật theo thẩm quyền.

14. Về trợ giúp pháp lý:

a) Quản lý, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý của các Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương;

c) Cấp, thay đổi, thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý của Văn phòng luật sư, Công ty luật và Trung tâm tư vấn pháp luật;

d) Quyết định công nhận, cấp và thu hồi thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

15. Về bán đấu giá tài sản:

a) Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển tổ chức bán đấu giá ở địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức bán đấu giá ở địa phương;

b) Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo thẩm quyền.

16. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp, trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật.

17. Hướng dẫn, kiểm tra công tác hoà giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

18. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước; tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

19. Tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và công tác tư pháp theo quy định của pháp luật.

21. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp.

22. Thực hiện công tác thông tin, thống kê, tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

23. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trực thuộc Sở Tư pháp; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

24. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.

25. Quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

26. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập