Lào Cai 28° - 31°
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học Bác để bảo vệ môi trường sinh thái

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi lời nói, hành động của Người đều hướng tới lợi ích thiết thực của con người, hướng tới sự hài hòa giữa con người, xã hội với thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ thông qua đời sống sinh hoạt của Người, những bài viết, bài nói, những phong trào, những lời khuyên răn đối với nhân dân, cán bộ. Đến cuối đời, trong Di chúc, Bác cũng không quên đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm 1947, khi nước nhà mới giành độc lập, trong tác phẩm “Đời sống mới” (bút danh Tân Sinh), Bác đã nêu hai phương diện của môi trường là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường tự nhiên, Người viết: “về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt”.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh môi trường thật dung dị, dễ hiểu. Thí dụ, khi kêu gọi toàn dân tham gia diệt ruồi muỗi, Người nói: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều bệnh tật, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi, muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Người cũng đặc biệt chú ý giáo dục vệ sinh cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng là “giữ gìn vệ sinh thật tốt” (Thư gửi Thiếu niên nhi đồng năm 1961 và bổ sung nội dung vào năm 1965).

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cải thiện môi trường sinh thái thì phải trồng cây, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây”. Ông Hoàng Hữu Kháng, người bảo vệ Bác từ năm 1941-1951 kể, những năm ở chiến khu, khi tìm chỗ làm nhà cho Bác, Bác luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở bảo đảm các tiêu chí: “trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.

Hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây, bảo vệ cây, góp phần bảo vệ môi trường của Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào sâu rộng. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển bảo vệ đê.

Năm 1968, sau khi dự họp Tổng kết chiến dịch Mậu Thân xong, Bác cho mời đồng chí Đàm Quang Trung vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xảy ra lắm. Chú về chỉ thị, nhắc nhở toàn quân không được săn bắn thú rừng... Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”.

Trong Di chúc để lại trước khi đi xa, một trong những nội dung quan trọng được Bác căn dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân ta đó là vấn đề môi trường sinh thái, Người viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất “...Phát triển công tác vệ sinh” (Di chúc năm 1968). Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”. “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp... ” (Di chúc năm 1965).

Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái để phát triển biển vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau. Do vậy, việc đẩy mạnh học tập, làm theo và nêu gương theo Bác về bảo vệ môi trường sinh thái là việc làm cấp thiết, thể hiện ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch đảm bảo không gian công cộng, cây xanh, hồ sinh thái,... cho phù hợp, nhất là ở khu vực thành thị; khi phê duyệt các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên trên hết, trước hết; tổ chức tốt Tết trồng cây, trồng rừng Xuân Quý Mão năm 2023 theo Kế hoạch số 410/ KH-UBND, ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh. Đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân cần bảo vệ môi trường thông qua những hành động dù nhỏ nhất, ví như: Tích cực tuyên truyền về vai trò đặc biệt quan trọng của môi trường; vận động người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia bảo vệ môi trường; vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, nơi làm việc, nơi sinh hoạt đông người; tích cực sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng kim loại, nhựa, túi nilon; trong gia đình, hay công sở, chỉ sử dụng các thiết bị điện thật cần thiết, tắt các thiết bị điện không cần sử dụng khi ra khỏi nhà và phòng làm việc,..

(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, số tháng 01/2023)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập