Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tháng 6 năm 2024

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết

 Đoàn kết, thống nhất mục tiêu, ý chí và hành động có vai trò, ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mọi tổ chức, cộng đồng và quốc gia - dân tộc. Chân lý này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết như sau: “Muốn thắng lợi thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được. Để sống còn, loài người lại phải sản xuất mới có ăn, có mặc. Sản xuất cũng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. Chỉ riêng lẻ cá nhân cũng không sản xuất được. Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”.

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trước hết phải xây dựng bằng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là quan điểm chiến lược, cơ bản, nhất quán, có ý nghĩa sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Theo Người, trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đoàn kết toàn dân luôn là nền tảng căn bản, là quan điểm xuyên suốt của Đảng. Để xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nhân nguồn sức mạnh đó lên, Người luôn coi trọng việc giác ngộ, tập hợp nhân dân vào hàng ngũ cách mạng, biến ý chí, tư tưởng cách mạng của Đảng thành ý chí, tư tưởng, động lực để phát huy sức mạnh của nhân dân. Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là “nền gốc” của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây".

Thứ hai là đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đây là một trong những nhiệm vụ cốt yếu, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm sự thống nhất ý chí, hành động của toàn Đảng, là cơ sở tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng. Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng vừa quyết định sự tồn vong của Đảng, vừa là trung tâm, động lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Người, việc xây dựng, duy trì, bảo vệ cho được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, từ chi bộ cơ sở đến Ban Chấp hành Trung ương có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trước lúc đi xa, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Và lịch sử đã chứng minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, đoàn kết trong Đảng luôn là động lực huy động sức mạnh của cả dân tộc, góp phần đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ ba là đoàn kết quốc tế. Theo Người, đoàn kết quốc tế trước hết là đoàn kết những con người, những cộng đồng có cùng thân phận, cùng hoàn cảnh; từ đó hình thành nên sự đoàn kết giữa người Việt Nam, dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Người cho rằng, đoàn kết quốc tế là nguồn lực quan trọng, tăng cường sức mạnh cho sự nghiệp cách mạng trong nước, giúp kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng vì độc lập dân tộc, hòa bình, ổn định, phát triển, bình đẳng giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Bác chỉ rõ, “sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới... Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi”. Lực lượng đoàn kết quốc tế rất phong phú, đó là tất cả các quốc gia, tổ chức, cá nhân tôn trọng lợi ích chính đáng của nhân dân và đất nước Việt Nam, nhưng nòng cốt là đoàn kết với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ thế giới. Theo Người, đoàn kết quốc tế dựa trên những nguyên tắc cơ bản là: Bình đẳng về lợi ích và trách nhiệm; thực sự tôn trọng lẫn nhau; tự lực cánh sinh; có lý, có tình.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đoàn kết luôn là một trong những nguyên tắc được Đảng ta xây dựng và thực hành. Đảng ta khẳng định, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công nhân, nông dân với đội ngũ trí thức; đồng thời, cần mở rộng đoàn kết, phát triển đội ngũ doanh nhân, khuyến khích doanh nhân khởi nghiệp, sáng tạo, làm giàu chân chính, gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đặc biệt quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ; bảo vệ bình đẳng giới và phát triển toàn diện phụ nữ; chăm sóc, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ và sự gương mẫu của người cao tuổi, bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết thực sự giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa người dân trong nước với đồng bào ta ở nước ngoài. Đó là điều kiện khách quan về chính trị, làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với phương châm “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đoàn kết là một nhu cầu khách quan, xuất phát từ mỗi cá nhân trong cộng đồng, vì lợi ích tương đồng mà có xu hướng tập hợp lại, tạo thành một khối thống nhất, phát huy và cộng hưởng thế mạnh của từng cá nhân, tạo nên sức mạnh cộng đồng để cùng đạt mục tiêu chung.

(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai,

số tháng 6/2024)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập