Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tháng 7 năm 2024
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần tự học tập
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học tập suốt đời. Với Người, học tập trong đó tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người. Trong con người Hồ Chí Minh, tự học là phẩm chất nổi bật. Tuy học ở trường lớp không nhiều, nhưng trong quá trình hoạt động và công tác, Người đã tự học là chính. Đến đâu, ở đâu Người cũng tìm cách tự học tập, tự nghiên cứu để trau dồi tri thức hiểu biết nhằm thực hiện yêu cầu mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Mùa hè năm 1911, khi đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Vì thế Người đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Người đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (La-tu-sơ Tơ-rê-vin, dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rỗi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối, sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.
Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi". Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho xúc tích.
Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét, Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng là tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Hán.
Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, ở đâu Bác cũng tranh thủ mọi thời gian để tự học một cách kiên trì, bền bỉ, thường xuyên. Đến khi đã trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn tự học qua sách báo trong thực tiễn. Bằng sự miệt mài say sưa tự học, Người đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ của nhân loại, đồng thời có sự nhạy cảm sắc sảo hệ thống tri thức, nhất là vấn đề chính trị, để vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Có thể nói, tự học là một trong những yếu tố quyết định tạo nên nhân cách và trí tuệ Hồ Chí Minh.
Bác khuyên mọi người phải tự học và phải ham học. Rằng “Biết chữ, biết tính thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù, nửa quáng. Biết rồi ta học thêm. Ngoài ra ta còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới tiến bộ. Càng học thì càng tiến bộ”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Lấy tự học làm cốt”. Người đặt ra câu hỏi: “Học ở đâu, học với ai?”. Rồi trả lời: “Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng”.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Người không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý vô nguyên tắc,... mà tự học ở Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Đặc biệt, Người tự học với một động cơ trong sáng với ý nguyện cao cả là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.
Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Tự học ở Người đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần ghi sâu những lời dạy của Bác, noi theo Người về nghị lực học tập, luôn nêu cao tinh thần tự học mọi lúc mọi nơi để có đủ đức, đủ tài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, uy tín của bản thân trước đảng, trước dân. Thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề đang đặt ra, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Nghiêm túc học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên tự trang bị cho mình một phương thức tu dưỡng, rèn luyện thiết thực, hiệu quả để làm tròn vai trò, chức trách được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai số tháng 5/2024)