Lào Cai 26° - 29°
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 5/2022

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bài học tự cường, tự trọng

qua mẩu chuyện ngắn về Bác Hồ

Có rất nhiều câu chuyện về Bác thể hiện ý chí tự cường của cá nhân Người cũng như tự cường dân tộc. Sau đây là mẩu chuyện ngắn như vậy để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi (1945), Bác Hồ cùng một số cán bộ từ Việt Bắc trở về Thủ đô. Trên đường đi, Người ghé lại một địa phương nọ, dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Bác hỏi: “Sao các chú lại làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước Đồng minh?”. Một đồng chí thưa: “Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ”. “Không nên”, Người khẽ lắc đầu và bảo: “Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình”.

Qua mẩu chuyện ngắn trên, phần nào có thể thấy tinh thần tự cường, tự trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay khi nước ta vừa mới thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa sơ khai. Tinh thần ấy hướng đến một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, chắc chắn sẽ diễn ra không lâu nữa, kịp thời động viên, khích lệ sự tham gia, đóng góp của tất cả mọi người.

Gắn với tự cường là tinh thần tự trọng, vốn có tác động qua lại với nhau. Tự trọng hiểu ở góc độ hẹp (cá nhân) là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình; hiểu ở góc rộng (tổ chức, quốc gia) là coi trọng, đề cao vị thế của mình một cách đúng mực. Với tính chất đó, tự trọng hoàn toàn khác với tự ti, mặc cảm và cũng hoàn toàn khác với tự mãn, tự cao. Cá nhân hay tổ chức có tự trọng (với tính chất là hiểu đúng vị thế, vai trò của mình) thì mới có thể tự cường, bởi không hiểu đúng bản thân (chẳng hạn tự ti hoặc tự cao) thì không thể tự cường. Cá nhân hay tổ chức có tinh thần tự cường thì luôn biết cách nâng bản thân mình lên, tức là thể hiện sự tự trọng cao hơn.

Thông qua mẩu chuyện về Bác kể trên, chúng ta thấy tinh thần tự cường, tự trọng thực sự rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ Đảng viên và nhân dân. Học Bác, mỗi chúng ta phải luôn có ý thức nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, vị thế, uy tín của mình một cách thực chất, thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Phải luôn có lòng tự tôn dân tộc, tự hào về nghề nghiệp, việc làm chính đáng của mình. Có như vậy chúng ta mới góp phần nâng cao vị thế, uy tín của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mình đang công tác, lao động, sản xuất và của đất nước Việt Nam thân yêu.

(Theo bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, số 138, 02/2022)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập