Lào Cai 26° - 27°
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 7/2022

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TẤM LÒNG CỦA BÁC ĐỐI VỚI

THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, nhất là đối với thương binh, liệt sĩ. Người nêu rõ: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Ngày 10/3/1946, báo Cứu quốc đăng thư của Người, có đoạn viết “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 07/11/1946, Người đã đến dự lễ Mùa đông binh sĩ” do Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.

Trước tình hình ấy, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ - trừ những ngày kỷ niệm quốc tế - “Ngày thương binh” là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày thương binh liệt và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh. Năm sau, ngày 27/7/1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.

Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.

Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên để lại những lời căn dặn trong Bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các chính sách chăm lo cho người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các chính sách đó đã nhanh chóng được thực hiện tạo ra sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận giữa Đảng bộ, Nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, có tác động sâu sắc đến toàn xã hội, cùng với địa phương chăm lo người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, “đền ơn đáp nghĩa” trong thời kỳ đổi mới. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sỹ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ,... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), đây là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc, hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, mang lại những hiệu quả thiết thực, làm cho các đồng chí, đồng bào yêu quý được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần bám sát và thực hiện tốt kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 07/6/2022 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa và huy động nguồn lực trong xã hội, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; thể hiện trách nhiệm, sự tri ân và lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đối với người có công với cách mạng.

(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ số 142 năm 2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập